Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái: Cán bộ cần bỏ suy nghĩ “việc anh, việc tôi”; doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng khát vọng vươn lên hội nhập

|
Views:
Tại buổi đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái đã phát biểu kết luận với nhiều nội dung chỉ đạo trọng tâm nhằm tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KT-XH của tỉnh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang xin trích đăng một số nội dung trong bài phát biểu kết luận của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái.
Bí thư tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Sau một buổi sáng làm việc với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm, hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Tại hội nghị đã có 19 lượt tham gia phát biểu, với gần 40 ý kiến phản ánh của đại diện các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp, doanh nhân. Các ý kiến phát biểu đã phản ánh đa dạng nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách và các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường, vốn, thị trường bất động sản, thực hiện thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Đây đều là những ý kiến rất xác đáng, liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp; môi trường đầu tư kinh doanh và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh. Các ý kiến phát biểu cho thấy những trăn trở, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nói riêng, sự phát triển của tỉnh nói chung. Đây cũng là nguồn thông tin rất quan trọng, hữu ích, giúp lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn, toàn diện hơn về những khó khăn, vướng mắc và những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với doanh nghiệp, để tới đây tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng, đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp sát thực, phù hợp, hiệu quả nhất.

Trước hết, phải khẳng định những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn rất quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh. Nhiều chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Các cấp, các ngành, các địa phương đều nhận thức rõ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với sự phát triển của địa phương; tập trung cao đẩy mạnh CCHC, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết; tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức đối với doanh nghiệp chuyển biến rõ nét; những khó khăn, hạn chế về thể chế, điều kiện cơ sở hạ tầng, vấn đề tiếp cận đất mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự,… được tập trung tháo gỡ và ngày càng đảm bảo đáp ứng và phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh đã thiết lập các kênh thông tin, đường dây nóng trực tiếp tiếp nhận và chỉ đạo xử lý kịp thời nhiều kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của doanh nghiệp… Những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và thể hiện rất rõ thông qua việc các chỉ số đánh giá cấp tỉnh năm 2020 đều có sự cải thiện mạnh mẽ: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  tăng 13 bậc, đứng thứ 27/63; chỉ số CCHC (Par Index) tăng 12 bậc, đứng thứ 13/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 6 bậc, đứng thứ 3/63.

Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã tận dụng tốt cơ hội, nỗ lực vươn lên, bắt nhịp với xu thế phát triển. Số lượng các doanh nghiệp liên tục tăng nhanh (bình quân mỗi năm có trên 1.200 doanh nghiệp thành lập mới); đến nay, toàn tỉnh có trên 11.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 100 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho hằng trăm nghìn lao động; đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nhiều doanh nhân thành đạt, trở thành hạt nhân quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô chủ yếu là vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới gần 99%); tiềm lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế; trình độ quản trị, khả năng hội nhập, liên kết với doanh nghiệp FDI để mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị sản xuất còn rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp còn tư tưởng làm ăn chộp giật, lợi dụng chính sách, không chấp hành nghiêm túc quy đinh pháp luật, nghĩa vụ đối với nhà nước, đối với người lao động; thậm chí còn có doanh nghiệp vi phạm pháp luật phải xem xét, khởi tố.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua cũng đã cho thấy khả năng chống chọi của các doanh nghiệp trước khó khăn. Các doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực, có trình độ quản lý tốt, quy trình sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp thì phục hồi rất nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn vì nhiều lý do, nhất là vấn đề thiếu vốn để duy trì hoạt động (trong 9 tháng đầu năm đã có gần 400 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng giải thể, đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ). Tôi rất chia sẻ với khó khăn chung của các doanh nghiệp, nhưng qua đây các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu và có những định hướng, kế hoạch phát triển cụ thể, phù hợp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và những rủi ro chưa lường trước ngày càng nhiều như hiện nay.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nhấn mạnh, Bắc Giang đang trên đà phát triển, tiềm lực, lợi thế của tỉnh hiện nay là rất lớn và đa dạng, không chỉ có lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà cả lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp cũng rất nhiều tiềm năng. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nếu tận dụng tốt thời cơ, chúng ta hoàn toàn có cơ hội tạo bước đột phá phát triển, thay đổi cả về lượng và chất để doanh nghiệp địa phương bắt kịp xu thế phát triển, tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững. Ngược lại, nếu bỏ lỡ cơ hội này chúng ta sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau; dần mất đi khả năng cạnh tranh, thị trường thu hẹp, mất đi cơ hội phát triển.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; vừa qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 41 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết với những chủ trương, định hướng quan trọng, với nhiều điểm mới, có tính đột phá và có tác động trực tiếp đến phát triển doanh nghiệp ... Cùng với đó, tỉnh đã tập trung rất cao để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 10 năm nay, trong đó đã xác định rõ các định hướng phát triển về kết cấu hạ tầng khung, không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp. Đây là điều kiện, tiền đề hết sức quan trọng mở ra cơ hội đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh những năm tới.

Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) Quang Châu. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Về định hướng nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp, doanh nhân thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái nêu, trong bức thư gửi cho giới Công Thương ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nếu nền kinh tế quốc dân thịnh vượng tức là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng… Chính phủ, Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”. Tư tưởng của Bác cũng chính là quan điểm, định hướng chung của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn xác định lấy sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân là động lực chính thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Tỉnh xác định sẽ tiếp tục tập trung cao tháo gỡ vướng mắc bất cập liên quan đến quy định pháp luật, cơ chế chính sách; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, bình đẳng, công khai, minh bạch; thúc đẩy chuyển đổi số, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để mang đến cho doanh nghiệp, nhà đầu tư những dịch vụ, tiện ích tốt nhất.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung xây dựng nâng cao chất lượng, ý thức trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhân thức, chuyển từ“cho phép”,“cấp phép” sang tư duy“phục vụ” doanh nghiệp, Nhân dân.

Các Sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức phải từ bỏ suy nghĩ việc anh, việc tôi, tất cả phải cùng vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, cùng hướng về mục tiêu chung, vì sự phát triển của tỉnh Bắc Giang, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước thì yêu cầu hết sức quan trọng là bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân phải tự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, thôi thúc có khát vọng hội nhập, phát triển, làm giàu cho mình, cho địa phương, đất nước.

Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong, huyện Hiệp Hòa. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm 4 vấn đề:

Thứ nhất, cần có chiến lược, định hướng phát triển cụ thể cả ngắn hạn và dài hạn. Về chiến lược dài hạn, doanh nghiệp phải trả lời được các câu hỏi 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa thì doanh nghiệp của mình sẽ phát triển đến tầm mức nào? Vẫn duy trì ngành nghề sản xuất hiện nay hay tiếp tục mở rộng, vươn sang các lĩnh vực nào khác? Chỉ sản xuất trong tỉnh, trong nước hay vươn ra khu vực và thế giới? Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển rất cần các doanh nghiệp, doanh nhân phải luôn có niềm tin và giữ vững niềm tin; năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự thì cơ hội sẽ trôi qua và không thể lấy lại được; kiên cường vượt qua mọi thử thách vì môi trường kinh doanh luôn khốc liệt, luôn phải đối mặt với khó khăn và thách thức, nếu nản chí và buông xuôi, bỏ cuộc thì sẽ thất bại.

Với kế hoạch ngắn hạn, cần tập trung giải quyết thỏa đáng các vấn đề hiện tại doanh nghiệp đang gặp phải; đặc biệt là khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, biến nguy thành cơ, nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất gắn với triển khai thực hiện tốt các phương án thích ứng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để duy trì sản xuất kinh doanh ổn định và giảm thiểu tổn thất khi phát sinh dịch bệnh.

Các doanh nghiệp không chủ quan, lơi lỏng, mất cảnh giác, thỏa mãn với kết quả đã đạt được; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong công ty, doanh nghiệp theo đúng quy định, hướng dẫn của tỉnh. Đặc biệt, phải duy trì tốt việc xét nghiệm sàng lọc, tầm soát định kỳ; tuyên truyền, quán triệt người lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và đảm bảo điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nhân với doanh nhân; lấy lợi thế của doanh nghiệp này bù đắp cho hạn chế của doanh nghiệp khác. Hợp tác, liên kết sẽ giúp các doanh nghiệp gắn bó, tổ chức thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, qua đó đem lại lợi ích cho các bên cùng tham gia. Điều này đã được đút rút trở thành triết lý: “muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Thứ ba, tích cực tiếp cận, cập nhật, đổi mới nâng cao năng lực quản trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường; cùng với đó, phải quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp vì sự phát triển ổn định, bền vững. Chấp hành và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là thực hiện trách nhiệm đối với người lao động và nghĩa vụ đối với nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục tạo dựng, bồi đắp, phát triển, nâng tầm các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong đó, phải luôn quan tâm, đề cao triết lý sản xuất kinh doanh, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp; lấy sự hài lòng, tín nhiệm của khách hàng và uy tín của doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu; tích cực tham gia công tác trách nhiệm cùng nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề môi trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các tổ chức hội doanh nghiệp cần tiếp tục là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển của tỉnh đến các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Tiếp tục có các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để hỗ trợ, định hướng, gắn kết, nâng tầm, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân là thành viên của hội và Hiệp hội; xứng đáng với vị trí, vai trò là tổ chức đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần phải vượt qua ở chặng đường phía trước. Tuy nhiên, với những kết quả tích cực mà chúng ta đã nỗ lực có được trong thời gian qua, chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, tốt đẹp đang đón chờ phía trước. Bí thư Tỉnh ủy mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà sẽ luôn “kề vai, sát cánh”, đồng thuận cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời gian tới vì sự phát triển chung của tỉnh, của doanh nghiệp vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân Bắc Giang.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cam kết sẽ luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn; trong đó sẽ dành sự quan tâm, ưu tiên đối với doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; chúc những ước mơ, hoài bão của các doanh nghiệp, doanh nhân sớm trở thành hiện thực, các doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh./.

BGP