Cơ sở hạ tầng đồng bộ

|
Lượt xem:
Bên cạnh những ưu đãi của thiên nhiên, Bắc Giang còn sở hữu một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tương đối toàn diện. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư hiện nay.
Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế cả vùng.

Hệ thống lưới điện ổn định

Nguồn điện cung cấp cho tỉnh được cung cấp từ nguồn quốc gia qua tuyến Phả Lại "Bắc Giang - Thái Nguyên tại trạm 220 kV Bắc Giang; từ Nhà máy nhiệt điện Phả Lại qua tuyến Phả Lại đến Trạm 220 kV Bắc Giang. Bắc Giang có Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa có quy mô và công suất lớn nhất nước đã vận hành góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Thời gian qua, toàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp lưới điện với 3.864,3 km đường dây, đạt chuẩn 81,7% và 100% số xã được cấp điện từ lưới điện Quốc gia. Các tuyến chính là tuyến 220 kV Phả Lại - Thái Nguyên; tuyến 110 kV Bắc Giang - Phả Lại, tuyến trung thế 35 kV, 22 kV...

Thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn REII, REII mở rộng, bán điện trực tiếp đến người tiêu dùng (119/tổng 130 xã). Hiện trạng mạng lưới điện đã đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Hệ thống cấp nước bảo đảm

Tổng công suất cung cấp nước sạch của toàn tỉnh hiện nay đạt hơn 55.000 m3/ngày đêm, phục vụ cho khoảng trên 20 vạn dân, các cơ sở sản xuất trong thành phố, khu công nghiệp: Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung... Các công trình nước sạch nằm rải rác ở 9 huyện phục vụ cho 7 vạn dân. Các công trình cấp nước như hồ, đập, trạm bơm… đảm bảo được nhu cầu cho sản xuất.

Đặc biệt, tháng 8/2018, tỉnh Bắc Giang đã đưa vào hoạt động thêm một dự án nhà máy nước sạch thứ 2 (nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang) được lấy trực tiếp từ nguồn nước thô hồ Cấm Sơn - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên quý giá và lớn nhất Việt Nam, có chất lượng nước tốt, lưu lượng ổn định, ít rủi ro ô nhiễm nguồn nước.

Nhà máy có hệ thống máy móc và công nghệ tiên tiến được nhập khẩu từ các nước G7, đồng thời đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại đạt tiêu chuẩn ISO 17025, đảm bảo nước sạch đầu ra đạt quy chuẩn cao nhất của Bộ Y tế về tiêu chuẩn nước ăn uống sinh hoạt QCVN 01:2009 BYT.

Với năng lực thiết kế, nhà máy có thể cấp phát nước cho nhân dân tỉnh Bắc Giang với công suất tối thiểu đảm bảo 20.000 m3/ngày đêm; công suất thiết kế mở rộng có thể đạt 80.000 m3/ngày đêm. Đây là nguồn nước sạch bổ sung, bảo đảm chất lượng, an toàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ảnh: BGP/Nguyễn An

Hệ thống giao thông đồng bộ

Hệ thống đường bộ với tổng chiều dài là 9,867 km, trong đó: quốc lộ 308,9 km; đường tỉnh 367,66 km; đường giao thông nông thôn (đường huyện, xã, thôn) 9.800,05 km và đường đô thị khoảng 308,18 km.

Đường quốc lộ có 05 tuyến chạy qua, dài 308,9 km gồm QL1 đạt tiêu chuẩn cấp II do Trung ương quản lý, các tuyến QL17, QL31, QL37, QL279 đạt tiêu chuẩn cấp IV Trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý. Đã xây thêm cầu qua sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, nâng cấp, xây mới bến xe, trạm dừng xe tạo ra sự kết nối với vùng, trên hành lang kinh tế và vùng đồng bằng sông Hồng.

Đường tỉnh có 18 tuyến, tổng chiều dài 367,66 km, trong đó có 145,46 km mặt đường bê tông nhựa chiếm 39,56%; 193,8 km mặt đường đá dăm nhựa chiếm 53,53%, 25,4 km mặt đường bê tông xi măng chiếm 6,91%. Một số công trình trọng điểm được hoàn thành, tạo động lực tăng trưởng kinh tế như đường tỉnh 398, đường tỉnh 295; đường tỉnh 293 lên Tây Yên Tử (Sơn Động); đường tỉnh 296, 297, 299, 398...

Hệ thống đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 9.800,05 km, cứng hóa được 4.866,88 km chiếm 49,66%, trong đó đường huyện cứng hoá đạt 84%, đường xã cứng hoá đạt 54,58%, đường thôn xóm cứng hoá đạt 44,61%.

Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ năm 2017, phong trào cứng hóa giao thông nông thôn được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Riêng năm 2018, toàn tỉnh hỗ trợ 217.550 tấn xi măng, cứng hóa gần 1.300 km đường giao thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ thực hiện cứng hóa 100% đường huyện, 65,36% đường xã và 60,3 đường thôn xóm. Hệ thống đường đô thị các thị trấn của 10 huyện và đặc biệt là TP. Bắc Giang, thị trấn Chũ, thị trấn Thắng được chú trọng đầu tư nâng cấp, có tổng số chiều dài 308,18 km, đã được cứng hóa 96,49%. Tình trạng đường tốt 119,8 km chiếm 38,87%, trung bình 170,92 km chiếm 55,46%, xấu 17,46 km chiếm 5,67%.

Nhìn chung, mạng lưới đường bộ của tỉnh phân bố tương đối đều tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu với các tỉnh, nối liền trung tâm của tỉnh với trung tâm các huyện; từ trung tâm huyện đến các xã.

Thông tin liên lạc và công nghệ thông tin phát triển

Toàn tỉnh có 264 điểm phục vụ Bưu chính: 46 bưu cục (1 bưu cục cấp I, 9 bưu cục cấp II, 36 bưu cục cấp III đặt tại trung tâm thành phố và các huyện), 185 điểm bưu điện văn hóa xã và 33 điểm đại lý Bưu điện, Ki ốt, Nhà văn hóa cơ sở. Chỉ tiêu bán kính phục vụ bình quân 2,03 km/điểm phục vụ, số dân phục vụ bình quân 6.140 người/điểm phục vụ.

Mạng lưới viễn thông của tỉnh tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 838 trạm thu phát sóng thông tin di động (trong đó có 650 trạm dùng chung), mạng cáp quang đồng trục và hệ thống tổng đài đã được triển khai đến 100% các xã.

Hiện nay, mạng viễn thông của tỉnh đã phát triển mạng lưới lên công nghệ NGN. Mạng thông tin di động công nghệ 4G đã phủ sóng đến 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh. Công tác ngầm hóa mạng ngoại vi được thực hiện theo kế hoạch đã nâng cao một bước chất lượng phục vụ và cải thiện mỹ quan đô thị.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay có 100% huyện, thành phố; 22 sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh và cơ quan ngành dọc triển khai “một cửa điện tử”. Tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương tiên phong trong việc thành lập Trung tâm hành chính công (01/01/2019 đổi tên là Trung tâm dịch vụ hành chính công) góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp./.

BGP