Doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập quốc tế

|
Views:
Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động, sáng tạo, hiệu quả, vì phát triển nhanh và bền vững. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Bùi Văn Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Văn Hạnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lại Thanh Sơn, Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Thu Hà, Lê Ánh Dương; cùng đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh.  

Đồng chí Bùi Văn Hải - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Tại hội nghị, báo cáo về kết quả hội nhập quốc tế giai đoạn 2014 - 2019 cho thấy, công tác hội nhập quốc tế trong 5 năm qua của Việt Nam được triển khai toàn diện, hiệu quả, thu được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, là nền tảng để đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác.

5 năm qua, Việt Nam đã chủ động phát huy vai trò của đối ngoại đa phương; đẩy mạnh hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên ngày càng quan trọng tại các diễn đàn khu vực như Mê Công, ASEAN, ASEM, APEC và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, IPU, G20, WEF… Đặc biệt, Việt Nam đã góp phần quan trọng vào nỗ lực hòa giải quốc tế với việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2. Qua đó, bước đầu khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và tự tin tiến lên hội nhập quốc tế toàn diện. Đây là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm Đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia thời gian qua.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều nhận định, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm qua. Lớn nhất là Việt Nam đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.

Theo các đại biểu, năm 2019 là năm “nước rút” Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Đây cũng là năm Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và bước vào giai đoạn mới phải hoàn tất các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Công tác hội nhập quốc tế được triển khai trong một môi trường quốc tế chuyển biến sâu rộng, nhanh và phức tạp, khó lường, tính bất ổn gia tăng, tạo cơ hội và thách thức đan xen.

Vì vậy, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt phải chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của cách mạng công nghiệp 4.0 và các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030)...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân
là trung tâm của hội nhập. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, Việt Nam cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương; chuẩn bị tốt về mọi mặt để đảm nhận các trọng trách đa phương như Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, thành viên UNCITRAL nhiệm kỳ 2019 - 2025...

Xử lý kịp thời và phù hợp với các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu đánh giá khả năng đàm phán mới với một số đối tác. Tăng cường nghiên cứu, cảnh báo sớm trước những diễn biến mới của các xung đột thương mại trong khu vực.  

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục coi doanh nghiệp và người dân là trung tâm của hội nhập. Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai thúc đẩy các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế từ trung ương đến địa phương.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tăng cường năng lực của cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế từ Trung ương đến địa phương thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về hội nhập kinh tế quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế tới mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt tới các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người dân nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cam kết mở cửa thị trường của các đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường khu vực và quốc tế…./.