Nguồn nhân lực chất lượng cao

|
Lượt xem:
Bắc Giang là tỉnh có dân số đông, trên 1,8 triệu người (đứng thứ 12 cả nước) với trên 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động và đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Đồng thời tỉnh là cửa ngõ thu hút lao động khu vực vùng núi phía Bắc của Việt Nam.
Cơ cấu lao động của tỉnh ngày càng chuyển dịch theo hướng tích cực. Ảnh: BGP/Diệu Hoa.

Những năm qua, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2020, lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 37,6%, dịch vụ chiếm 24%, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 38,4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, năm 2020 đạt 70% (cao hơn 5,5% so với cả nước).

Năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc các ngành kinh tế khoảng 1,1 triệu người (chiếm 61,2% dân số). Trong đó, khu vực nhà nước chiếm 6,1%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 85,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 8,4%, lực lượng lao động nữ chiếm 49,6%, lao động trong các doanh nghiệp chiếm 24,4%. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 7 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 275 nghìn lao động, trong đó ở các khu công nghiệp có 383 doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 165 nghìn lao động.

Tỉnh hiện có 01 trường Đại học, 3 trường Cao đẳng, 4 trường Trung cấp chuyên nghiệp và 41 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.

Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh với quy mô là 35.550 người/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng trên 1,6 nghìn người/năm, trình độ trung cấp trên 5,5 nghìn người/năm và trình độ sơ cấp trên 28,3 nghìn người/năm. Tổng số ngành, nghề được cấp phép đào tạo là 109 nghề, trong đó trình độ cao đẳng có 24 nghề, trình độ trung cấp có 59 nghề và trình độ sơ cấp có 58 nghề.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, ngày 8/10/2020, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch đào tạo nghề và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 147 nghìn người; trung bình là 29,5 nghìn học sinh, sinh viên, người học nghề/1 năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80% (trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%). Trên 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trên 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp và trên 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng có việc làm sau đào tạo.

Đến năm 2025, toàn tỉnh có 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; trong đó có 04 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp. Phát triển Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn đủ điều kiện, tiêu chuẩn cả về quy mô và chất lượng đào tạo là trường chất lượng cao, có năng lực đào tạo các ngành nghề được các nước tiến tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận./.

Diệu Hoa