Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Cả nước đều mong muốn dập dịch nhanh như Bắc Giang

|
ページビュー:
Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi kiểm tra thực tế tình hình giao thông tại cầu Như Nguyệt và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bắc Giang.

Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh; Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; đại diện lãnh đạo cơ quan, Bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Bắc Giang, tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Dương Văn Thái - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Thu Hồng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Lê Ô Pích, Phan Thế Tuấn; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết, nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch, sau gần 2 tháng dịch bệnh bùng phát tại Bắc Giang, đến nay, KT-XH của tỉnh được khôi phục nhanh và phát triển mạnh, thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021 đạt 5,5%, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thu hút được 881,75 triệu USD vốn đầu tư quy đổi; có 1.114 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký đạt 21.765 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, trong 06 KCN đã có 100% doanh nghiệp đang hoạt động với gần 192.000 lao động, tổng số lao động làm việc tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch.

Để nhanh chóng khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, tỉnh Bắc Giang đã sớm thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo khôi phục hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1255/QĐ-UBND ngày 23/6/2021 và Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Thông qua việc kiện toàn Ban chỉ đạo đã giúp các hoạt động đầu tư, lưu thông hàng hóa, xây dựng mô hình sản xuất an toàn, giao thông an toàn, không có tình trạng ùn tắc giao thông. Bắc Giang cũng đã cho phép 17 tuyến vận khách hoạt động thí điểm đến các tỉnh: Hải Phòng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An, Bắc Kạn từ ngày 14/10/2021…

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản đạt được kết quả nổi bật. Thu ngân sách tăng 48,1% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút FDI đứng thứ 9 cả nước. Hạ tầng KT-XH tiếp tục được cải thiện. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bắc Giang đã qua 52 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, hiện đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của địa phương đã đưa ra các giải pháp chống dịch Covid-19 căn cơ, quyết liệt, phù hợp với thực tiễn; qua đó đã giúp Bắc Giang dập dịch nhanh chóng, hiệu quả. Tỉnh cũng đã chủ động, linh hoạt trong việc thành lập Ban chỉ đạo để hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.

Những bài học của Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào truy vết và công tác xét nghiệm cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp có thể coi là mô hình điển hình cho các địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm để phát triển KT-XH đi đôi với an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá cao tỉnh Bắc Giang là 01 trong 2 tỉnh, thành phố đi đầu cả nước về công tác lập quy hoạch. Về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dư án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng 02 khu công nghiệp Tân Hưng (Lạng Giang), Yên Lư (Yên Dũng) và mở rộng khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên), Hòa Phú (Hiệp Hòa), Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sớm xem xét để trình Chính phủ phê duyệt, tạo động lực quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của ngành phối hợp với tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tối đa các điều kiện có thể, sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đáp ứng các điều kiện tốt nhất để địa phương sớm khởi công công trình mở rộng Cầu Như Nguyệt. Bộ cũng cam kết với tỉnh sẽ tổ chức bố trí nguồn lực khởi công cải tạo tuyến Quốc lộ 31 trong quý II/2022 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương; đồng thời tạo đà cho việc triển khai các dự án giao thông tiếp theo.

Trên tinh thần đánh giá cao các kết quả đạt được của Bắc Giang trong thực hiện "mục tiêu kép", đại diện lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch, xây dựng kịch bản phục hồi phát triển KT- XH thích ứng linh hoạt với điều kiện, tình hình mới của đất nước; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến phù hợp với môi trường; phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu thức ăn đầu vào cho chăn nuôi; đảm bảo nguồn dự trữ lương thực thực phẩm dịp cuối năm; tại các khu, cụm công nghiệp cần tiếp tục quan tâm đến phát triển hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành kết luận buổi làm việc. Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Phục hồi nhanh nhưng phải giữ được địa bàn sạch

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo của Bắc Giang trong phòng, chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng nói “Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang rất quyết liệt, ổ dịch tại các khu công nghiệp trong tỉnh Bắc Giang được dập trong thời gian rất gắn. Vì vậy, không chỉ Chính phủ mà các tỉnh, thành phố trong cả nước đều mong muốn dập dịch nhanh như ở Bắc Giang”.

Về phục hồi sản xuất kinh doanh, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố phục hồi sản xuất khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, không phải địa phương, doanh nghiệp nào cũng có thể phục hồi được như Bắc Giang. Chỉ trong vòng chưa đầy 02 tháng các doanh nghiệp tại Bắc Giang đã huy động được nguồn lao động dồi dào, tốc đô tăng trưởng bình quân tăng cao, KT-XH của tỉnh phục hồi nhanh chóng.

Do đó, qua cách làm của tỉnh, có thể rút ra một số bài học cho các địa phương trong cả nước. Trước tiên, doanh nghiệp phải được coi là chủ thể quá trình phục hồi sản xuất bởi lẽ doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho công nhân, lao động; doanh nghiệp sẽ trực tiếp hỗ trợ về nơi ăn, nghỉ và môi trường làm việc cho công nhân, lao động. Còn chính quyền địa phương là trung tâm giải quyết các thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đề ra các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cùng với phục hồi sản xuất nhanh, Bắc Giang không được chủ quan, không để dịch bệnh tái phát theo đúng tinh thần phục hồi nhanh nhưng phải giữ được địa bàn sạch. Bắc Giang cũng cần tuyên truyền mạnh cho các địa phương và doanh nghiệp để tiếp đà cho quá trình phát triển. Dịch xảy ra cho thấy, chỗ ở công nhân là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm triển khai. Vì thế, trong quy hoạch các dự án khu công nghiệp, địa phương phải dứt khoát bố trí quỹ đất ở dành cho công nhân.

Về dự án xây dựng mở rộng Cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, qua kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng Cầu Như Nguyệt là cây cầu quan trọng, kết nối, tạo động lực phát triển không chỉ của địa phương mà còn cho cả nước. Vì vậy, việc đề xuất cây cầu này thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Thời gian tới, tỉnh cần phối hợp tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu cuối năm 2022 khánh thành cầu Như Nguyệt. Cùng đó, Bộ Giao thông vận tải sớm khởi công Quốc lộ 31.

Về thị trường tiêu thụ lợn của nông dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, đơn vị chức năng rà soát lại quá trình xuất khẩu thịt lợn. Bên cạnh đó, Bắc Giang nên có cuộc họp với các doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ thị trường, hình thành một số điểm, siêu thị bán hàng, cửa hàng bình ổn giá thịt lợn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thăm và làm việc tại Công ty TNHH Hosiden. Ảnh:BGP/Nguyễn Miền

Thăm và làm việc tại Công ty TNHH Hosiden, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp khi đã nhanh chóng phục hồi lại sản xuất. Phó Thủ tướng đánh giá cao khâu tổ chức sản xuất, phòng dịch tại doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định đây là mô hình tốt trong phục hồi sản xuất và chống dịch. Vì vậy, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ, ngành liên quan cần xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm, có thể áp dụng mô hình tại các doanh nghiệp của nhiều địa phương khác trong cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương.
Ảnh: BGP/Nguyễn Miền

Phát biểu tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cảm ơn Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua. Mặc dù đã có sự phục hồi nhanh chóng nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và phát triển sản xuất, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách… Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước trong giai đoạn tiếp theo./.

Nguyễn Miền