Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển

|
Lượt xem:
Sáng 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành; Chủ tịch Công ty, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV các doanh nghiệp Nhà nước của địa phương.

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dành phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân tử vong trong vụ cháy tại Hà Nội và 7 nạn nhân tử vong do lũ quét tại Lào Cai đêm 12/9, rạng sáng 13/9. 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển KT-XH, DNNN giữ vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển KT-XH. Cộng đồng DN nói chung và DNNN nói riêng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có gần 680 DNNN, trong đó có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số DN cả nước và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%; nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ DN cả nước.

Để DNNN thực sự trở thành "lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước" dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tập trung đánh giá tình hình, những thành tựu, đóng góp của DNNN, những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn trong cơ chế, chính sách đối với khu vực DN này, những tồn tại hạn chế trong chính DN, những khó khăn nào xuất phát từ thể chế chính sách, những khó khăn nào xuất phát từ khâu triển khai thực hiện để, đề xuất rõ cấp nào, bộ nào cần xử lý các vướng mắc đó, từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các DNNN.  

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng....

Cùng với đó, cần nhận định, đánh giá đúng, sát vị thế, vai trò của DNNN hiện nay, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Tinh thần là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các DNNN.

Nhấn mạnh tinh thần "Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi", Thủ tướng mong muốn, với sự bản lĩnh, kiên định, năng động, sáng tạo, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội lớn, vì khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc ấm no, các đại biểu tập trung thảo luận, tìm ra giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tốt hơn, tập trung cho các động lực tăng trưởng, đặc biệt là về đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực như: Quốc phòng an ninh chiếm khoảng 17%; nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi chiếm 40%; hoạt động xổ số chiếm 13%; hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước...) chiếm 14%; hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh chiếm 16%.

DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chủ yếu hoạt động trong các ngành: Nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng...).

Hiện nay, nếu loại trừ các DN quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp thì chỉ còn 77 DNNN quy mô lớn gồm: 6 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty Nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.

Các DN 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN. Các DNNN đóng góp khoảng 28% thu ngân sách Nhà nước; thu hút khoảng 0,7 triệu lao động, chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN.

Đặc biệt, khu vực DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà máy điện của EVN, TKV, PVN cung cấp khoảng 87% sản lượng điện cho xã hội. Trong lĩnh vực xăng dầu, các DNNN và DN do DNNN sở hữu đóng góp khoảng hơn 84% thị phần bán lẻ. Trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, chế biến và khai thác dầu khí, các DNNN cung cấp 100% thị phần khí khô và 70% thị phần LNG toàn quốc, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu, 70-75% nhu cầu phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. DNNN cũng đóng góp vai trò quyết định trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng của nền kinh tế như: Viễn thông, công nghệ thông tin (chiếm hơn 90% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất), hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, tài chính ngân hàng; cung cấp nguyên vật liệu sản xuất đầu vào quan trọng cho nền kinh tế (xi măng, hóa chất cơ bản, các nguyên, vật liệu dầu, khí, than, xơ sợi, cao su, dăm gỗ; sản xuất phân bón, đạm...); cung cấp dịch vụ công ích...

Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế thu nhập DN là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách Nhà nước là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, tỷ lệ DN gặp khó khăn, thua lỗ vẫn còn cao, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.

Tại hội nghị, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những việc chưa làm được, các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến cơ chế, chính sách, vấn đề tái cơ cấu DN, huy động nguồn lực, chính sách đặc thù về vốn và quy trình thủ tục để DN có thể cộng hưởng các nguồn lực với nhau trong hợp tác đầu tư; giải quyết vướng mắc về thể chế, đồng thời mong muốn được tham gia hợp tác quốc tế để tìm ra điểm mới, điểm khác biệt đầu tư phát triển, đặc biệt là hợp tác về công nghệ. DN cũng kiến nghị cần sửa đổi một số điểm, điều khoản trong các thông tư, nghị định, luật để giải quyết một số vướng mắc, hạn chế trong hoạt động điều hành, kinh doanh của DN được chủ động, hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh nguồn:chinhphu.vn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ biểu dương, ghi nhận nỗ lực đồng thời chia sẻ khó khăn với DNNN trong thời gian vừa qua.

Thủ tướng Chính phủ đưa thông điệp tới các DN cần chung sức đồng lòng, vượt qua thách thức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Chính phủ cũng tiếp thu toàn bộ những ý kiến, đề xuất của DN. Trên cơ sở những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tháo gỡ khó khăn, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tư phát triển DNNN. Cùng với đó, các DN cần tăng cường đóng góp, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Đặc biệt, các DNNN cần phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa các chương trình, dự án lớn của Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp chính quyền tiếp tục tăng cường gặp gỡ DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước xây dựng thương hiệu của mỗi DN, qua đó góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Các DN cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, đoàn kết, thống nhất, cạnh tranh lành mạnh và giúp nhau cùng phát triển.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương trong việc đồng hành cùng DN, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đất nước./.

Dương Thủy