Phát biểu khai mạc của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân

|
ページビュー:
Sáng ngày 12/10, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2021, đồng chí Dương Văn Thái - Ủy viên Trung uơng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có bài phát biểu khai mạc với nhiều nội dung chỉ đạo sâu sắc, ý nghĩa. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu khai mạc tại hội nghị. Ảnh:BGP/Dương Thủy

Thưa các vị đại biểu, các doanh nhân!

Thưa toàn thể hội nghị!

Hôm nay, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2021. Hội nghị tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10). Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tôi xin gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà lời chào nồng nhiệt, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các vị đại biểu, thưa Hội nghị!

Sau thành công của Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta đã bước sang giai đoạn phát triển mới với tinh thần quyết tâm cao, khí thế và khát vọng đổi mới, phát triển địa phương, đất nước.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi; cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng đã phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ. Đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan nhanh chóng và diễn biến phức tạp trên quy mô lớn; có thời điểm Bắc Giang trở thành tâm dịch của cả nước. Cùng lúc chúng ta đã phải thực hiện đồng thời 3 mục tiêu: vừa phải tập trung chống dịch; vừa phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử; đồng thời hỗ trợ Nhân dân tiêu thụ nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất. Các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề; các doanh nghiệp đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn; hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Dịch bệnh làm ảnh hưởng sâu sắc đến thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh và đời sống của đông đảo công nhân, người lao động và Nhân dân trong tỉnh.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương, các địa phương và Nhân dân cả nước; cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn. Sau gần 2 tháng tập trung toàn lực, gồng mình, căng sức chống dịch, chúng ta đã kiểm soát tình hình, khống chế thành công và đẩy lùi dịch bệnh. Ngay trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất chúng ta vẫn chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; cùng với đó, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhiều loại nông sản đến vụ, đặc biệt là vải thiều.

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát và thiết lập trạng thái bình thường mới, từ đầu tháng 7/2021, các hoạt động phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng đầu năm 2021 của tỉnh đạt 5,5% (6 tháng đầu năm đạt 4,3%; quý III đạt 6,7%); trong khi cả nước tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, quý III tăng trưởng âm 6,17%, 9 tháng đầu năm tăng trưởng 1,42%.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng mạnh so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 đạt gần 32.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát và đạt mức cao nhất từ trước đến nay; thu hút đầu tư FDI tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách nhà nước vượt dự toán cả năm; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 21 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ và bằng cả năm 2020. Hầu hết các hoạt động thương mại, dịch vụ đã trở lại bình thường; nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các chỉ số đánh giá cấp tỉnh năm 2020 đều cải thiện mạnh mẽ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 13 bậc, đứng thứ 27/63; chỉ số CCHC (Par Index) tăng 12 bậc, đứng thứ 13/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tăng 6 bậc, đứng thứ 3/63).

Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh nên các doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều đánh giá cao và rất tin tưởng vào môi trường đầu tư an toàn tại tỉnh. Đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố vững chắc, nhân dân, doanh nghiệp đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền. 

Nhìn lại chặng đường khó khăn, vất vả đã qua, chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Thắng lợi mà Bắc Giang đạt được trong thời gian qua là thắng lợi của lòng dân, của sức dân, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân mà cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân là thành tố hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp không những phải gồng mình chống dịch; thực hiện mọi biện pháp để duy trì sản xuất mà còn tích cực ủng hộ kinh phí chống dịch, ủng hộ quỹ vắc xin, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho công nhân và nhân dân các địa phương vùng dịch.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi biểu dương, cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân đã nỗ lực vượt khó, tích cực ủng hộ và có những đóng góp hết sức quan trọng vào quá trình phát triển của tỉnh nhà thời gian qua.

Các đại biểu và đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự hội nghị. Ảnh:BGP/Dương Thủy

Thưa toàn thể Hội nghị!

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, tỉnh Bắc Giang là địa bàn luôn phải đối mặt với nguy cơ rất cao dịch xâm nhập, bùng phát trở lại. Qua trao đổi, tiếp xúc, nắm bắt tình hình, lãnh đạo tỉnh nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất, việc xuất khẩu hàng hóa, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, nhiều mặt hàng bị tồn đọng kéo dài; chi phí vận chuyển, giá vật liệu sản xuất, nhất là vật liệu xây dựng tăng cao; doanh nghiệp phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc tuyển dụng lao động mới gặp nhiều khó khăn do việc giãn cách phòng, chống dịch ở các địa phương cũng như gián đoạn trong công tác vận chuyển, đưa đón công nhân, người lao động…

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, nhà hàng, lữ hành quốc tế… phải đóng cửa kéo dài để thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch; một số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hẳn hoạt động. Điều doanh nghiệp lo lắng nhất là nguy cơ phải dừng sản xuất kéo dài, dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, khiến doanh nghiệp phá sản.

Bên cạnh đó, dù lãnh đạo tỉnh đã rất tích cực chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, song kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, mong muốn. Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo để cải thiệt môi trường đầu tư, kinh doanh. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu. Cán bộ cấp cơ sở ở nhiều nơi chưa tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; cá biệt còn có biểu hiện cán bộ gây phiền hà, khó khăn, sách nhiễu đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể doanh nhân!

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân hôm nay với mục đích để lãnh đạo tỉnh hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt, hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng của tỉnh; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà. Tôi cũng rất mong, các doanh nghiệp, doanh nhân bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp mới mang tính tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển quê hương, đất nước.

Chương trình Hội nghị sẽ diễn ra trong 01 buổi sáng. Hội nghị sẽ dành thời gian để trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để tìm hướng tháo gỡ. Để hội nghị đạt hiệu quả, tôi đề nghị các đại biểu chủ động đăng ký phát biểu ý kiến, đi thẳng vào vấn đề trên tinh thần thực sự cởi mở, thẳng thắn, nói thẳng, nói thật; tập trung vào các nhóm vấn đề chung, liên quan đến nhiều doanh nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh sẽ có trao đổi, giải đáp, làm rõ. Đồng thời, sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương nghiên cứu trả lời hoặc báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh sớm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Tôi mong muốn và hy vọng sau hội nghị này, các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp sẽ cơ bản được giải quyết thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; các cơ quan chức năng cùng chia sẻ, đồng thuận, đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, cởi mở, công khai, minh bạch; tạo ra một khí thế mới, động lực mới và cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế và có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà thời gian tới.

Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2021. Chúc toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

BGP